Tuesday, January 22, 2008

Cloverfield


Part I

Cloverfield có lẽ là bộ phim gây dư luận nhiều nhất khắp các website, weblog và các forum điện ảnh trên Internet và trên các phương tiện media khác trong nửa sau năm 2007. Kể từ khi teaser trailer được tung ra ngay trước khi trình chiếu Transformers vào tháng 7, bộ phim có tên mật mã (codename) Cloverfield đã gây tò mò cho khán giả và cả những nhà phê bình phim ảnh. Teaser trailer là một đoạn phim ngắn quay bằng handy cam ghi lại những hình ảnh một buổi tiệc chia tay một người bạn. Sau đó cái handy cam đó tình cờ ghi lại những hình ảnh náo loạn của thành phố New York với những vụ nổ lớn cùng tiếng rú kinh hoàng (nghe như tiếng của một con quái vật nào đó) mà hình ảnh gây shock nhất là cái đầu của tượng nữ thần Tự Do rơi từ trên trời xuống! Thế là người ta đua nhau đoán già đoán non về nội dung của phim. Có người nói đây là phim làm lại của quái vật Godzilla từ Nhật Bản. Có người thì nói đây là phim Lost- the movie vì JJ Abrams là đạo diễn kiêm nhà sản xuất của TW show Lost. Người khác lại nói đây là phiên bản làm lại của Escape From New York vì hình ảnh đầu của nữ thần Tự Do trong teaser trailer là lấy ý tưởng từ poster của phim Escape From New York. Mọi người đều tò mò không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra trong phim. Nhà sản xuất JJ Abrams làm một cú PR ngoạn mục cho phim với teaser trailer. Bộ phim khi ấy cũng chưa được công bố tên phim mà chỉ có codename Cloverfield hay 1-18-08 (ngày ra mắt bộ phim). Và thế là mọi người tha hồ đoán mò tiếp. Cho đến khi poster chính thức được công bố thì người ta mới dám chắc chắn đây là một phim về quái vật mới vì hình ảnh trong poster. Nhưng người ta cũng chưa biết được đây là con gì. Godzilla vẫn tiếp tục được đoán là nhân vật chính, trong khi các ứng cử viên khác như bạch tuộc khổng lồ, khủng long v.v…cũng được cho là nhân vật chính của bộ phim.

Bộ phim bắt đầu bằng cảnh yên bình của thành phố New York vào buổi sáng sớm. Sau đó là các cảnh mọi người thấy trong teaser trailer và trailer khi một nhóm bạn tổ chức một bữa tiệc chia tay Rob – người sẽ sang Nhật Bản làm việc. Ban đầu phim giới thiệu các nhân vật chính và các mối quan hệ của họ. Tất cả những hình ảnh đều được quay bằng handy cam. Nó làm người xem có cảm tưởng đang theo dõi một đoạn phim tài liệu, một footage chân thực hiện tại thuộc sờ hữu của Bộ Quốc Phòng Mỹ và mọi người đang xem lại tất cả những tình tiết, sự kiện đã xảy ra từ lúc đầu buổi tiệc cho đến lúc mọi người nhốn nháo chạy trốn quái vật và cho đến lúc cuối. Vì được quay bằng handy cam từ đầu đến cuối nên người xem cảm tưởng những hiện tượng đó đang xảy ra ngay trước mắt. Vì thế có những đoạn mọi người chạy trốn con quái vật rất hồi hộp, có đoạn ghi lại người đứng kế bên người quay bị con quái vật đánh trúng. Những cảnh chạy trốn trong đường hầm xe điện ngầm, leo lên toà nhà cao tầng, chạy trong cầu thang với những hình ảnh giật, lắc liên tục trông rất chân thật, y như là người quay đang phải chạy trốn quái vật thực sự. Kiểu quay này đã từng được sử dụng trong phim Blair Witch Project và một vài đoạn ngắn trong The Bourne Ultimatum.

Đây là kiểu phim survival chứ không phải siêu anh hùng nên các nhân vật trong phim thi nhau chạy trốn. Cloverfield có thể nói là sự kết hợp giữa Wars of the Worlds và The Blair Witch Project. Chạy trốn và ghi lại những hình ảnh trong lúc chạy. Vì thế nên có cảnh chạy ngang qua khu vực quân đội đang đánh nhau với quái vật đạn bay vèo vèo, gạch đa bay tứ tung. Khung cảnh như đang ở giữa chiến trường thật sự. Cloverfield tiếp tục là màn phô diễn lực lượng của quân đội Mỹ với xe tăng, trực thăng và cả máy bay B-2 ném bom(!?). Tuy nhiên cảnh chiến đấu không được thấy nhiều bởi vì các nhân vật của chúng ta phải chạy trốn chứ đâu có đứng yên ở giữa chiến tuyến mà ăn đạn lạc được. Các thành viên lần lượt rơi rụng dần như các phim horror khác. Cao trào phim là lúc nhân vật đang quay phim bị quái vật nuốt chửng. Tuy nhiên, không hề gì, một nhân vật khác liền chạy lại và tiếp tục cầm máy quay để khán giả có cái mà coi tiếp chứ. Con quái vật hiện ra rõ mồn một và từ nhiều góc độ khác nhau để thỏa mãn người xem muốn biết nó là con gì. Tuy nhiên những hình ảnh này diễn ra rất nhanh (tất nhiên, người quay phải chạy đi trốn mà).

Part II (đoạn này chê, có thể có spoiler với một số người)

Kỹ thuật quay phim kiểu handy cam của Cloverfield tuy là làm cho phim trông thật nhưng rất nhức mắt. Nhất là với màn hình lớn, hình ảnh cứ xoay mòng mòng xem rất mệt. Những phim ít cắt cảnh thường xem rất mệt bởi vì lê thê, cộng thêm hình ảnh giật lắc theo phong cách The Blair Witch Project thì lại càng tệ. Phim chủ yếu chiếu những cảnh cần phải xem như toàn cảnh toàn thân con quái vật, mặt các nhân vật, các tình tiết chính còn lại những chi tiết phụ thì qua rất nhanh. Phim cũng khá dài nên tớ thắc mắc không hiểu handy cam này hiệu gì mà pin dùng rất lâu và máy chịu được va chạm mạnh.

Mặc dù plot của phim khá vững, bố cục đầy đủ nhưng nó làm người xem hụt hẫng ở khúc cuối. Rất nhiều người nán lại rạp cho đến khi dòng credits hiện ra để xem còn gì nữa không nhưng cũng chả có gì. Tuy khá hơn War of the Worlds là có chiếu cảnh giao tranh giữa quân đội và con quái vật nhưng những hình ảnh này không nhiều. Tình tiết của phim cũng không có những đoạn cực kỳ hồi hộp làm thót tim (kiểu như đoạn con E.T vào tìm kiếm hai cha con trong ngôi nhà trong phim War of the Worlds) mà cứ nhàn nhạt diễn ra. Đoạn mọi người đối phó với con quái vật cũng diễn ra khá nhanh. Một số chi tiết vô lý khác là nhân vật nữ bị thương khá nặng do cây sắt đâm xuyên qua vai phải có người đỡ mới đi được thì đến lúc gặp con quái vật thì ba chân bốn cẳng chạy rất nhanh (hơn cả người bình thường). Con quái vật này rất dai, bom của máy bay B-2 rải thảm xuống mà vẫn không chết, đạn bắn không thủng. Vì quay theo kiểu handy cam nên ta không biết được con này từ đâu xuất hiện (do hoá chất đổ xuống lòng hồ như trong The Host hay kiểu zombie trong I Am Legend) và cũng không biết là sau cùng nó còn sống hay đã chết ngắc. Ta chỉ biết một điều là cuộn băng được quân đội Mỹ tìm được và hiện là sở hữu của Bộ Quốc Phòng.

Cuối cùng phim này rất sến. Ai xem Mission: Impossible III thì cũng thấy được phong cách sến của JJ Abrams. Chú Rob nhận được tin nhắn trong phone của người yêu cũ đang gặp nạn thì hối hả quay lại cứu cô. Nhóm bạn cũng quyết định (lý tưởng tình bạn cao đẹp trong lúc khó khăn một cách khá vô lý) theo Rob đi cứu người yêu chú Rob đang mắc kẹt trong một building. Và kết quả là từng em rơi rớt dần. Và đáng lẽ đoạn cứu em gái bồ chú Rob có thể làm cho hồi hộp hơn, nhưng lại trôi qua suôn sẽ và khá nhạt (có lẽ đạo diễn không muốn làm dài vì pin của handy cam không còn nhiều chăng?). Bộ phim kết thúc bằng câu “I love you” sến hơn phim Hàn Quốc.

Part III

OK, con quái vật trong Cloverfield chính là XEM ĐI RỒI BIẾT, HEHE.

Monday, November 26, 2007

Lảm nhảm với Beowulf


Lảm nhảm với Beowulf
Liếc sơ sơ qua blog vài người thấy ai cũng nói Beowulf được cái kỹ xảo chứ nội dung chả có gì hết và tui cũng spoil luôn [thật ra có gì mới đâu mà kêu spoil]. Thật ra Beowulf không phải là không có nội dung nhưng mà ai xem nhiều phim về Beowulf thì thấy nội dung có nhiêu đó mà người ta xào đi xào lại hết rồi, còn gì mới nữa đâu. Tâm lý này giống như khi xem mấy phim bộ Hongkong chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung vậy. Ai cũng biết là cuối cùng Trương Vô Kỵ bỏ Chu Chỉ Nhược chạy theo Triệu Minh hay chú Vi Tiểu Bảo lấy 7 bà vợ nhưng ai cũng muốn xem lại diễn viên diễn thế nào, cách thức xử lý tình huống ra sao hay ít ra xem DV diễn cô Long, chàng Dương Qua, em Vương Ngữ Yên đẹp xấu ra sao trong những phim làm lại về đề tài tiểu thuyết của Kim Dung.

Beowulf thì cũng thế. Có điều, đối với người hâm mộ VN có vẻ xa lạ hơn với thuyết Beowulf. Nhưng nếu ai học Ngữ văn Anh hay tìm hiểu chút về văn hóa Anh thì sẽ biết Beowulf rất popular đối với văn hóa phương Tây (cụ thể là Anh - Mỹ). Nói về độ phổ biến thì Beowulf ở Anh cũng giống như truyện Thạch Sanh - Lý Thông ở VN vậy. Ai cũng biết. Beowulf là truyền thuyết (legend) nhưng cũng gần như là thần thoại (myth). Beowulf thật ra là bài thơ cổ khuyết danh được truyền trong dân gian ở Anh từ những người Anglo-Saxons Bắc Âu di cư đến Anh vào thế kỷ 7-8 gì đó sau CN. Bài thơ được chép lại trên giấy hẳn hoi, đến thời nay còn lưu trữ lại vài tờ, ai muốn biết thì vô wikipedia search thử là biết liền à. Truyện Thạch Sanh cũng rất giống Beowulf ở chỗ cũng là truyền thuyết/thần thoại. Cả 2 truyện giống nhau nữa ở chỗ là cùng nói về anh hùng giết quái vật. (Beowulf giết quái vật Grendel, mẹ Grendel, con rồng còn chú Thạch Sanh của ta giết chằn tinh, bắn rơi Đại Bàng...). Kết thúc thì 2 chú đều làm vua, chú Thạch Sanh còn được khuyến mãi thêm cô công chúa (sém mất may mà dựt được của chú họ Lý), còn chú Beowulf thì không thấy kể về nàng nào, nhưng chắc cũng đầy các nàng mắt xanh mũi lõ, chân dài đến mang tai. Chú Beowulf thì thê thảm hơn do không được kết thúc lúc làm vua mà phải hi sinh thân già giết chết em rồng vì các chú trẻ trẻ không ai bì được người hùng Beowulf một thời chứ không sung sướng như chú Thạch Sanh ngày ngày có em công chúa xinh đẹp lướt qua lướt lại trước mắt đến lúc già.

Giờ nói đến các bộ phim về Beowulf. Gần đây có ba phim làm về đề tài Beowulf, mỗi phim chơi 1 kiểu. Bộ phim Beowulf làm năm 99 có chú Christopher Lambert đóng coi lâu quá rồi kô rõ nhưng cũng nhớ mang máng là giết quái vật với messing around với các em hot chicks. Ko rõ có con rồng không nữa? Phim Beowulf and Grendel thì cho chú Grendel có cha bị giết bởi 1 đám nào đó nên chú lớn lên trả thù. Chú được 1 em rất đẹp trong làng nuôi. Chú Beowulf (Gerard Butler đóng) tới giết chú Grendel nhưng lại chết mệt em gái kia. Cuối cùng hình như chú phát hiện ra rồi giết cả mẹ của Grendel sao nữa thì cũng hông nhớ rõ :D. Còn phim Beowulf này làm khá sát với nguyên tác. Tức là có Beowulf, có mẹ Grendel, có con rồng, có cái mối quan hệ liên quan. Cái này làm nội dung của Beowulf đặc hơn 1 tí. Do nguyên tác chỉ có anh hùng Beowulf đi giết quái vật nên dĩ nhiên nội dung không có gì. Không lẽ làm phim chỉ có giai giai đấm đá nhau túi bụi hay giai gái chơi trò "vật cổ truyền" với nhau thôi thì kỳ quá nên cha Zemeckis lồng vô các mối quan hệ giữa các nhân vật chính trong phim thì chả cũng đã thành công phần nào rồi [ và qua đó các trò phang nhau, "vật cổ truyền" với nhau của các cô các chú trong phim theo đó cũng có bối cảnh, nguyên nhân đàng hoàng chứ không phải hễ gặp mặt là lao tới vật nhau tới tấp trong các phim tài liệu về cuộc sống sinh hoạt của người tiền sử mà tục bây giờ gọi là phim con heo hay phim porn].

Phim nói rõ chuyện các chú nhân vật chính đều bị cám dỗ đến từ mẹ của Grendel từ cha già Hrothgar cho đến chú Beowulf anh hùng và cả chú bạn chí cốt Wulfgar của Beowulf ở cuối phim. Thật ra chuyện này là bình thường thôi. Từ phương Đông sang phương Tây, từ thời cổ đến thời nay, có thằng anh hùng nào mà không bị dụ bởi các em gái xinh đẹp. Cái vụ "Anh hùng [đầu đất] nan quá mỹ nhân quan" này được khai thác rất nhiều từ lịch sử, dã sử, cổ sử đến truyện, tiểu thuyết rồi, từ D'artagnan đến Tống Thanh Thư thằng nào không bị gái dụ cho mờ mắt. Nhất là chú Beowulf anh hùng đầu đất thừa cơ bắp cộng thêm thân hình như vẽ (cái này vẽ thiệt) của mẹ Grendel [ngoài đời là Angelina Jolie] thì chú bị dụ là điều hiển nhiên. Thời đó chủ yếu lấy sức mạnh làm trọng nên anh giai Beowulf ngoài đường gươm lưỡi giáo mạnh mẽ cộng thêm thân hình 8 packs và cái đuôi to khoẻ thì đến bà ngoại của Grendel có lẽ cũng còn mê huống gì mẹ Grendel. Đó cũng là lý do tại sao me Grendel giết chết hết tuỳ tùng thân thích của Beowulf mà chừa lại mình anh. Và cũng nói thế để biết nữ sắc là "hồng nhan họa thủy" thế nào. :D Giai anh hùng gặp gái thuyền quyên nên cuối cùng sinh ra con rồng to khoẻ phun đầy lửa.

Phim cũng nêu rõ cái hậu quả của việc bị cám dỗ này như một lời nguyền truyền kiếp. Tức là ai thế nào thì có hậu quả thế đó. Điêm điếm như cha già Hrothgar thì có thằng con vừa nhu nhược vừa xấu xí như Grendel là quá đúng. Giống bố mỗi chỗ to khoẻ kềnh càng, đấu đầy đất [mặc dù đất trong đầu thằng con nhiều hơn thằng cha vạn lần]. Trong khi đó thằng con của anh hùng Beowulf thì toàn thân giáp vàng có thể biến thành con rồng đầy quyền năng. Và dĩ nhiên là nhìn ngon hơn thằng Grendel vạn lần. Rõ ràng là thằng cha thế nào thằng con thế ấy. Quá đúng.

Cha điếm già Hrothgar nghe tin thằng Grendel bị giết chết thì mừng quá. Cái mụn nhọt trong người được tháo gỡ thế là cha khỏe re. Đời mình thế là vui thú vì lời nguyền lên mình đã hết, thằng kia ở đâu tự nhiên nhảy vào gánh hết. Do đó, cha nội liền nhường ngôi vua lại cho Beowulf như kiểu bán cái gánh nặng cho thằng đầu đất này và ta thì lên thiên đàng vui thú với các em đồng trinh ở trển. Anh chàng đầu đất Beowulf của chúng ta lúc đó thì có bàng hoàng ngạc nhiên thiệt, và dù cũng ngờ ngợ là sao thằng già này nó nhường ngôi vua cho mình dễ thế nhưng niềm vui sướng được làm vua và nhất là cưới em gái - vợ cha già Hrothgar, điều mà chú chỉ nằm mơ mới có [Đoạn này vẽ mắt của Hrothgar dưới hình tượng của Anthony Hopkins rất điếm, như kiểu vừa trút gánh nặng lên đầu thằng khác, còn chú Beowulf vừa ngơ ngác vừa ngờ ngợ lại vừa sương sướng, cảm giác này chắc các bác đời nay rành hơn ha nên tui không nói nhiều]. Chú có ngờ đâu những gì để lại của Hrogath đúng là "của cho là của nợ", lời nguyền của mẹ Grendel lại tiếp diễn lên Beowulf. Từ từ cho đến lúc già chú mới thấm thía. Nên ai có không hiểu chuyện tại sao chú liều mình hy sinh giết con rồng thì giờ đã hiểu. Chú trả nợ đời cho xong cái gánh nặng thì theo chân cha điếm già Hrothgar đi thăm các em tiên nữ trẻ trung trên trời để gánh nặng lại cho thằng bạn chí cốt, được cái thừa nhiệt tình nhưng thiếu trí não mà dân gian ta gọi là thằng ăn hại.

[Trong truyền thuyết Beowulf thật ra là Beowulf giết xong mẹ của Grendel (chắc cũng xấu xí như Grendel chứ chả hot như Angie trong phim) thì về quê rồi làm vua ở quê. Chú giết con rồng cũng ở quê chú luôn. Vùng đất gọi là Geatland gì đó, giờ là nước Thuỵ Điển].

Chú bạn của Beowulf cũng tưởng là chú Beowulf tốt thiệt, nhường ngôi cho mình. Có đâu ngờ tuối càng cao, độ đầu đất của Beowulf càng giảm và độ điếm càng tăng. Lần này chú chơi lại trò cũ bán cái cho thằng bạn mình. Đúng, phải bán cái cho thằng bạn, thằng ít nghi ngờ mình nhất chứ cho mấy thằng khác là nó từ chối liền. Lời nguyền lại tiếp diễn khi cho chú đầu đất bạn của Beowulf nhảy xuống biển đến chỗ mẹ Grendel đang từ từ nhô thân hình nóng như Angie Jolie lên ngoắc ngoắc. [Đó là do các chú chơi chán rồi âm mưu bán cái của nợ lại cho nhau chứ có chú nào đầu đất bị dụ đâu. Do đó khi thấy ai cho không mình cái gì, vàng bạc châu báu, ngai vàng hay mỹ nữ thì đừng nghĩ là tốt mà người ta có thâm ý cả. Cẩn thận với hàng cho free hehe]. Phim đến đây là hết nhưng chắc làm nữa thì cũng tiếp diễn y như câu chuyện của Beowulf. Lần này con của mẹ Grendel và chú bạn của Beowulf chắc là con thuồng luồng. Và vài chục năm sau có anh hùng tên Lạc Long Quân đến giết thuồng luồng cứu dân. Trong cuộc ác đấu đó, Lạc Long Quân chém thuồng luồng làm 3 mảnh. Hai mảnh đầu trôi đâu không biết, riêng cái đuôi rớt trúng cầu Cần Thơ đang xây nên làm gãy cầu, tử thương vô số. Nhưng thôi, đó là chuyện được kể trong Beowulf phần hai [nếu có] nên ta không bàn ở đây.

Đó, sau khi nghe tui tán nhảm về Beowulf thì các anh, các chị có còn chê nội dung của phim đơn điệu nữa không ạ ?

Monday, November 19, 2007

Lan man với indie music




Chả hiểu bây giờ tui lại ghiền indie music. Phải chăng là bởi tính giản dị của nó. Indie music cũng giống như indie films là những tác phẩm không mang tính đại trà, không phải thuộc về mainstream. Indie còn có tên khác là "underground" music ("underground" là vì ít người biết và ít phổ biến chứ không phải là âm nhạc của giới giang hồ ). Và vì thế nên ít người nghe, ít người biết đến. Tuy vậy, cũng có một vài band indie trở nên nổi tiếng như R.E.M (vốn xuất thân từ band nhạc học đường) và những đại diện tiêu biểu cho dòng grunge là Nirvana hay Alice in Chains nổi đình đám đầu những năm 90.

Indie music nói ở đây không phải là thể loại nhạc ầm ĩ đó mà là những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng và êm dịu hơn với ca từ tự sự như kiểu Bob Dylan hay Don McLean thuở nào. Đó là âm nhạc của các nghệ sĩ như Cat Power, Liz Phair, Belle & Sebastian, Nina Nastasia, Fiest, PJ Harvey, Basia Bulat hay Kristin Hersh. Toàn những cái tên xa lạ phải không nào ? Trong số này có những cái tên cũng dần dần trở nên quen thuộc với người nghe nhạc như Fiest, Carla Bruni hay Karen Ann. Còn lại hầu hết đều được rất ít người biết tới.

Indie artists sáng tác các ca khúc và là vocal hát luôn các ca khúc của họ sáng tác. Thể loại nhạc họ chọn thường mang phong cách nhẹ nhàng như folk, comptemporary, alternative hay cả soul và blues. Họ thường sử dụng một loại nhạc cụ như guitar hay piano cho các ca khúc của mình. Vì thế nên âm nhạc của họ giản dị, êm dịu chứ không chát chúa như tiếng trống dập của heavy metal, không có điệu beat bass dồn dập. Ngược lại, các ca khúc indie thường nổi lên những tiếng guitar hay tiếng piano rưng rức cùng giọng ca tự sự của có phần thổn thức của chính các tác giả ca khúc. Tiêu biểu cho phong cách này là Basia Bulat (người vừa ra album Oh My Darling trong năm nay), Feist, PJ Harvey (với album White Chalk cũng mới ra đầu năm nay), Damien Rice. Muốn biết rõ hơn style của những nghệ sĩ indie này thì hãy xem phim Once. Trong phim có hình ảnh anh chàng ca sĩ chuyên đứng lề đường giữa thành phố vừa hát vừa đệm guitar những ca khúc do chính mình sáng tác. Indie music cũng thường được dùng trong các phim romance khác như ca khúc The Blower's Daughter của Damien Rice trong Closer.

Âm nhạc của indie thường nói về tình yêu (chuyện muôn thuở) nhưng cũng có những nghệ sĩ sáng tác ca khúc về cuộc sống và các đề tài xã hội. Có lẽ do không vướng vào sự ràng buộc với commercials mà họ luôn giữ được sự trong sáng trong giai điệu của các ca khúc của họ sáng tác. Hay nói cách khác, họ có thể hát và thu âm những ca khúc họ thích mà không cần phải chiều theo thị hiếu của khán giả. Số khán giả ít ỏi của họ là những người rất appreciate các sáng tác của họ.

Có 2 trường hợp theo tui là sự thất vọng của indie music. Đầu tiên là John Legend. John ra album Get Lifted đậm phong cách soul và tất nhiên đậm tính indie được đón nhận rất thành công. Album mang lại cho anh giải Grammy "Nghệ sĩ mới xuất sắc". Album Once Again tiếp theo thì John Legend quay lại với phong cách R&B hơi nghiêng về hip hop. Và tất nhiên nó hoàn toàn mất đi nét indie. Tôi không nghe nhiều R&B và Hip hop đủ để đánh giá album này là album R&B và Hip hop chất lượng, nhưng trên phương diện indie nó đã phần nào mất đi tính trong sáng vốn có của dòng nhạc indie. Vì thế nên tôi thất vọng.

Trường hợp thứ 2 là James Blunt với 1973. Hiện giờ đi đâu cũng nghe mọi người bảo nhau nghe 1973. Thậm chí trong blog của các cũng có vài người bỏ 1973 vào danh sách Music that I like. 1973 nghe hay thật đấy, giai điệu cũng nhẹ nhàng mà ý nghĩa thật đấy. Nhưng theo ý riêng của tôi thì 1973 không thể sánh với You're Beautiful về độ đẹp và trong sáng của giai điệu cũng như ca từ. Âm nhạc của 1973 đều quá, tiếng bass dồn dập của một ca khúc pop thuần nên nó trở nên commercial quá, thương mại quá chứ không trong sáng, giản dị và lảng mạn như You're Beautiful. Nó đã mất đi tính indie rất nhiều mà trong You're Beautiful thì lại hiện diện rõ rệt và đầy đủ. Cả album All the Lost Souls nghe rất nhàn nhạt, không thể sánh được với Back to Bedlam, ít ra là ở phương diện giai điệu và tính indie. Vì thế nên tôi thất vọng.

Không hiểu những indie music fan khác có cùng suy nghĩ này không, chứ tôi thì tuy thất vọng nhưng vẫn thấy mừng cho sự nghiệp của John Legend và James Blunt. Vẫn hy vọng họ sẽ có những tác phẩm khác cho music fan. Ta không thể đánh giá một đạo diễn phim qua vài bộ phim của họ cũng như không thể đánh giá các ca sĩ (có tài thật sự không qua showbiz) qua một vài album của họ. Bởi ai cũng biết, nếu dư dả hơn thì biết đâu cảm hứng sáng tác lại phong phú hơn ? Phải vậy không ?

Saturday, November 17, 2007

Lan man về Nightwish và Tarja


Lan man về Nightwish và Tarja magnify








Có một quy tắc tương đối là dân nghe rock miền Bắc thì chuộng classic rock, progressive rock (hay rock Anh - Mỹ) còn dân nghe rock SG thì lại thích các thể loại nặng nề hơn như heavy, power, death, dark, goth metal và đặc biệt là symphonic metal (rock Bắc Âu). Tất nhiên qui tắc này cũng chỉ đúng tương đối nhưng nó cũng là một xu hướng. Có một dạo, cách đây chừng 5-6 năm, Nightwish cực kỳ nổi ở SG. Hỏi ai nghe rock thì cũng biết đến Nightwish nhất là nữ giới (hơi sexist chút ). Nightwish nổi trội bởi giai điệu vừa mạnh mẽ lại vừa mang có giai điệu rất mượt và rất có chất symphonic . Thử tưởng tượng trong nền nhạc metal khàn đục của guitar bass bỗng vút lên tiếng keyboard có giai điệu mượt mà và nhất là giọng hát cao vút và mang chuẩn opera nhiều hơn là ca sĩ nhạc rock làm cho bài hát vừa mạnh mẽ theo kiểu heavy metal lại vừa trữ tình. Các band nhạc progressive hay power như Symphonic X và Rhapsody cũng kết hợp thành công hai yếu tố này. Bởi vậy trong những nhóm goth/symphonic metal, giọng ca nữ chính có vai trò rất quan trọng và là nhân tố chủ yếu làm nên thành công của cả band nhạc.

Tarja Turunen có đầy đủ những tố chất cần thiết cho vị trí ca sĩ chính đó. Chất giọng của cô vừa cao vút hùng hồn nhưng cũng rất sâu lắng (nghe Passion and The Opera và Sleeping Sun để biết thêm). Giọng của cô nghe rất lạ nhưng một khi người nghe đã "cảm" được thì sẽ cảm thấy rất "phiêu". Thậm chí, Tuomas - người sáng tác chính của nhóm cũng viết những ca khúc cho nhóm chỉ dành riêng cho Tarja hát. Sau khi gặt hái nhiều thành công thì Tarja và các thành viên còn lại của ban nhạc lục đục và kết thúc bằng lá thư sa thải được gửi cho Tarja và đồng thời được công bố cho toàn thể các fan biết. Mới đây, Nightwish vừa ra album mới "Dark Passion Play" với giọng nữ khác thay thế cho Tarja. Cũng lanh chanh lôi về nghe thử nhưng nghe xong thì thất vọng hoàn toàn. Thất vọng vì giọng ca mới không thể thay thế Tarja được. Thất vọng vì album được cho là tốn kém nhất lịch sử thu âm Phần Lan lại có vẻ như được làm rất kém. Thất vọng để nhận thấy là Nightwish không có Tarja thì không còn là Nightwish nữa. Và chắc chắn Tarja nếu không có Nightwish thì cũng không còn là Tarja thuở nào dù cho nàng cho tuyên bố sẽ ra album sắp tới đây. Và cũng thất vọng cho sự kết hợp này bị đổ bể. Người nghe không còn được thưởng thức sự kết hợp của dàn hòa tấu London Orchestra trong nền nhạc metal của Nightwish với giọng ca vượt chuẩn ca sĩ opera - Tarja Turunen.

Lust, Caution – Sắc, Giới


Lust, Caution – Sắc, Giới
Câu chuyện trong Sắc, Giới của đạo diễn Lý An diễn ra trong Thế chiến thứ 2 khi mà quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Một nhóm sinh viên yêu nước lập kế hoạch ám sát một tên tay sai của Nhật (Lương Triều Vỹ) bằng cách dùng mỹ nhân kế (Đường Vy) để lung lạc hắn rồi ra tay ám sát. Không may là mỹ nhân lại sa vào tình cảm của tên Hán gian ấy.

Bộ phim xây dựng trong khung cảnh nước Trung Quốc bị chiếm đóng và cảnh xây dựng lực lượng của Quốc Dân Đảng (TQ) chống Nhật. Do đó bộ phim có hình ảnh khá tăm tối và không khí rất nặng nề đậm nét film-noir. Bộ phim không chú trọng nhiều đến những chi tiết “tình báo” gây hồi hộp mà khai thác các mối quan hệ giữa các nhân vật trong phim, đặc biệt nhất là giữa 2 nhân vật chính của Lương Triều Vỹ và Đường Vy. Tuy vậy, nhiều tình huống trong phim cũng khá hồi hộp và căng thẳng.



Lý An mô tả rõ nét tự phát ngây thơ của nhóm sinh viên yêu nước trong việc lên kế hoạch ám sát tên Hán gian tay sai cho Nhật. Nhóm đề cử Wang (Đường Vy) làm mục tiêu tiếp cận tên Hán gian. Khi đã tiếp cận được thì cả nhóm hoang mang không biết bước tiếp theo là thế nào. Thậm chí, khi tên Hán gian đến trước cửa nhà thì cả bọn lại rất hồi hộp kẻ cầm súng, người cầm dao chuẩn bị xông vào “làm thịt” tên Hán gian nếu hắn xông vào nhà. Đáng tiếc là hắn đã không vào nhà. Để chuẩn bị cho việc tiếp cận “tuyệt đối” tên Hán gian, cả nhóm đã quyết định hy sinh Wang cho một người trong nhóm mà theo họ là có “kinh nghiệm” trong chuyện chăn gối do đã từng qua lại nhiều lần với gái làng chơi. Cảnh này khá buồn cười khi anh chàng kinh nghiệm trong nhóm khá rụt rè còn Wang thì lại dứt khoát hơn. Giữa nhóm bạn ấy thì Wang lại tỏ ra chững chạc nhất.

Sắc, Giới một phần được chú ý nhiều bởi nó được rate NC-17, một bộ phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi xem. Người ta háo hức bởi vì đây là phim hành động thriller nhưng lại pha những cảnh nóng “explicit” quá mức. Tuy vậy, cảnh “explicit” trong phim không quá nhiều như trong L’amant hay trong Basic Instinct (bản đầy đủ), thậm chí còn ít hơn cả phim The Sweet Sex and Love của Hàn Quốc. Nếu cắt vài giây trong vài đoạn thì có thể hoàn toàn trở thành phim R-rate. Có lẽ đó cũng là phong cách úp úp mở mở của Á Đông. Tuy ít nhưng những cảnh “explicit” lại là những cảnh tuyệt vời của phim (tất nhiên). Diễn xuất của hai diễn viên trong những cảnh đó lột tả được tâm trạng đê mê của cả 2 nhân vật, nhất là với diễn viên trẻ như Đường Vy (Tang Wei). Những cảnh nóng đó tui không biết là có thật không nhưng qua diễn xuất của hai diễn viên thì nó trông rất thật. Lương Triều Vỹ thật sự là “chủ soái” trong những cảnh nóng này. Từng điệu bộ, từng cử động trên mặt y như cảm xúc thật có được trong những pha “hành động” thật. Đường Vy tuy có phần hơi e lệ nhưng cũng không kém mãnh liệt trong các cảnh nóng đó.





Phim cũng cho thấy những cảnh khá quen thuộc trong phim VN như cảnh đoàn sinh viên diễn kịch rồi hô khẩu hiệu và toàn thể người xem bên dưới cùng hô vang khẩu hiệu. Hay cảnh nhóm sinh viên vừa đi vừa hát những bài hành khúc. Những khúc này khá giống với kiểu sinh hoạt phong trào Đoàn, Đội ở cấp 3 hay ĐH (ôi, một thời!). Phim trường rộng lớn đủ cho thấy một Hongkong hay Thượng Hải vào thời đó rất hoa lệ nhưng cuộc sống của người dân thì vô cùng cực khổ đói kém. Phim có cảnh quân Nhật phát gạo cho dân nhưng trong cảnh khác lại kiểm soát gắt gao với dân Trung Quốc.

Đường Vy đóng tốt cảnh thời còn sinh viên rất ngây thơ đến lúc chững chạc chơi tròn vai "mỹ nhân" trong trò chơi tình ái với Lương Triều Vỹ. Diễn xuất khá tốt, đặc biệt tốt trong các pha nóng cộng gương mặt khả ái khiến cô tạo nhiều thiện cảm với người xem. Lương Triều Vỹ khá lạnh lùng trong vai Hán gian tay sai cho Nhật nhưng càng về sau thì càng bùng nổ (tất nhiên là ở những cảnh nóng). Có thể nói anh là một trong những diễn viên dùng ánh mắt và nét mặt để diễn tốt nhất ở châu Á (ai không tin có thể xem phim này, Vô Gian Đạo và 2046) . Những diễn viên phụ đóng khá tốt. Nổi bật nữa là nhân vật lão Ngô (Old Wu) mang những hình ảnh “rất quen thuộc” của một vị lãnh đạo trong lực lượng cách mạng. Nhìn chung, phim có nội dung sâu sắc, tâm lý nhân vật phức tạp, nhiều mối quan hệ đan xen lẫn nhau. Ghét một cái là diễn viên nói nhanh quá nên đọc phụ đề tiếng Anh mò theo hơi mỏi mắt.Rate trên IMDB là 8.2 với hơn 2000 votes và trên Rotten Tomatoes là 64%.



Thursday, November 8, 2007

3:10 To Yuma – Bài học về tinh thần trách nhiệm




Bài có spoil nội dung ở đoạn cuối và rải rác những chỗ khác.

3:10 to Yuma là tên của một chuyến tàu lửa đến Yuma vào lúc 3h 10 phút. Bộ phim 3:10 to Yuma được làm lại từ phim cùng tên làm năm 1957. Nội dung cả 2 phim đều dựa vào truyện ngắn Elmore Leonard. Chuyện kể về cựu chiến binh Dan (Christian Bale) do thiếu nợ nên phải gia nhập đoàn “dẫn độ” tên cướp lừng danh Ben Wade (Russell Crowe). Nhiệm vụ của đoàn người là phải dẫn Ben đến nhà ga để đi chuyến tàu lúc 3h10 đến Yuma để người ta treo cổ tên này. Trên đường đi đồng bọn của Ben dẫn đầu là Charlie (Ben Foster) liên tục tìm cách cứu Ben và gây không ít khó khăn cho đoàn người.

Cũng khá lâu rồi ta mới được xem lại cảnh phi ngựa bắn súng của các chú cao bồi giữa nên nhạc guitar dồn dập làm nhớ lại các bộ phim cao bồi cũ của Clint Eastwood hay Charles Bronson. Cảnh sa mạc và núi đá New Mexico trong phim rất rộng lớn phù hợp cho không gian thiên nhiên của phim. Phim làm rất sát với phong cách phim cao bồi ở các thập niên trước là mô tả chân thật sự tàn bạo của các nhân vật cao bồi ở miền viễn Tây thế kỷ XIX: một nơi mà sức mạnh khẩu súng là chân lý. Bên cạnh đó, phim cũng đề cao chủ nghĩa anh hùng (:D not cá nhân) và sự tín nghĩa giữa các nhân vật góp phần làm nên một bộ phim cao bồi kinh điển.

Phim bắt đầu với hoàn cảnh khốn khó của anh chàng Dan, một cựu chiến binh trong cuộc Nội chiến cụt một giò, nợ tiền của bọn chuyên cho vay. Trong khi đó thì Ben oai phong hơn Dan khi dẫn đầu đám cướp đi cướp tiền của các đoàn xe wagon. Định mệnh trớ trêu đưa Dan đến nơi của bọn Ben Wade cướp phá để rồi chính Dan lật mặt để bắt Ben Wade và dẫn độ hắn đến nhà ga đợi tàu đi Yuma để kiếm 200 đô tiền mặt. Tướng cướp Ben Wade lừng danh được mô tả như một tên máu lạnh, sẵn sàng giết chết đồng bọn nhưng cũng rất mưu trí. Cảnh Ben lùa đàn bò chặn đứng chiếc xe chở tiền rất hay và thông minh. Thay vì chạy theo bắt giết như đồng bọn thì Ben chờ chiếc xe vào đúng vị trí cần thiết là lùa đàn bò ra mà chỉ tốn một vài viên đạn lùa bò. Tuy vậy, ngay trong lúc bị bắt, Ben cũng cứu thoát đoàn người áp giải khỏi cuộc tấn công trong đêm của bọn da đỏ. Suốt phim tâm lý của Ben Wade thay đổi phức tạp, khi thì muốn thoát đi, khi lại cứu đoàn người. Rõ ràng nhất là sự khâm phục Dan của Ben ngày một lớn dần lên.

Ben Foster trong vai Charlie cũng khá ấn tượng. Charlie được coi như là “phó tướng” của Ben trong băng cướp. Hắn đã gây không biết bao khó khăn cho đoàn người cho đến lúc cuối cùng. Chính hắn đã rao tiền thưởng 200 đô cho ai cứu được Ben ngay trong thị trấn tạo nên một sức ép mạnh mẽ lên Dan nhằm giải thoát “đàn anh” Ben.

Và sau cùng là Dan, anh chàng cựu binh trong Nội chiến cụt chân do bị đồng đội bắn nhầm. Dan vẫn luôn cảm thấy ngại khi kể lại chuyện này cho các con anh. Phim mô tả Dan khá f**ked up với chân đi cà thọt và con trai lớn luôn cãi anh. Sức ép từ cảnh túng thiếu của gia đình đã làm Dan quyết tâm hơn với chuyện áp giải Ben để gia đình anh có cuộc sống tốt hơn. Sức ép này đã làm Dan phải nói ra những lời mà trước giờ anh giữ kín với vợ: “If I don't go, we gotta pack up and leave. Now I'm tired, Alice. I'm tired of watching my boys go hungry. I'm tired of the way that they look at me. I'm tired of the way that you don't”. (tạm dịch: Nếu anh không đi thì chúng ta phải cuốn gói khỏi nơi này. Anh cảm thấy mệt mỏi, Alice à. Anh mệt mỏi khi phải nhìn lũ con mình đói. Anh mệt mỏi khi thấy ánh mắt của chúng nhìn anh. Anh mệt mỏi khi em không để anh đi).

Dan lúc nào cũng kiên quyết trong việc áp giải Ben đến ga thành công dù gặp nhiều khó khắn như lúc Ben Wade thoát đi tồi bị Dan bắt lại hay lúc đoàn người thoát khỏi bọn làm đường ray và lúc cuối khi một mình Dan dẫn Ben đến nhà ga dưới làn đạn dày đặc của bọn người muốn cứu Ben nhằm lấy tiền thưởng của Charlie. Sức ép dồn dập lên Dan trong cảnh cuối này làm nhớ lại cảnh một mình cảnh sát trưởng Kane đối phó với bọn cướp trong High Noon.

Trong lúc nguy cấp, Ben đề nghị Dan chấp nhận món tiền 1000 đô để Ben ra đi. Tuy nhiên, Dan đã từ chối Ben. Dan không muốn thả cho Ben đi để có một món tiền có thể gây khó khăn cho anh với cảnh sát như lời anh nói “Ben thoát đi và ngày hôm sau một món tiền lớn từ trên trời rơi vào túi”. Dan tuy thật sự rất cần tiền để trả nợ nhưng cái anh cần là cuộc sống yên ổn hợp pháp của gia đình. Hơn nữa, Dan muốn có trách nhiêm với người đã tin tưởng thuê anh áp giải Ben và làm gương cho con trai anh. Chính điều này đã làm Ben thêm khâm phục Dan.

[Main spoiler begin] Trong cảnh bao vây cuối cùng, dù cho bị Ben đánh, Dan cũng quyết không buông lấy Ben. Chính sự kiên quyết với trách nhiệm của Dan đã khiến Ben buông xuôi để Dan dẫn đi đến ga tàu trong lúc Charlie và đồng bọn đuổi tới. Cuối cùng đoàn tàu 3h10 phút cũng đến. Dan đưa Ben lên tàu thành công nhưng lại bị Charlie bắn từ phía sau. Lúc này, anh hùng tính của Ben lại trỗi dậy. Cảm thấy nuối tiếc khi Dan chết, Ben đã bắn Charlie và những đồng bọn khác nhằm trả thù cho Dan. Dan đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đường đường chính chính dù không thoát khỏi cái chết. Và Ben đã làm một nghĩa cử rất đẹp là tiếp tục lên tàu đi Yuma nhằm hoàn thiện nhiệm vụ mà Dan đã bỏ cả mạng sống để hoàn thành mặc dù biết rằng
đến Yuma Ben sẽ bị treo cổ.
[end]



3:10 khai thác những khía cạnh anh hùng tính và “nghĩa khí giang hồ” giữa các nhân vật như trong các phim về miền viễn Tây khác. Bên cạnh đó, cái mà phim muốn nhấn mạnh chính là tinh thần trách nhiệm của con người thông qua nhân vật Dan Evans. Giữa lúc xã hội hiện nay luôn đầy rẫy những kẻ cơ hội, những tên lươn lẹo để leo cao hay giữa những kẻ luôn luôn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác thì tính cách của Dan Evans xuất hiện rất đúng lúc và mang tính giáo dục cao. Tinh thần trách nhiệm với gia đình, với công việc được giao, không tham lam, không lừa dối của Dan dường như rất xa xỉ trong xã hội mà mọi giá trị đều bị đảo lộn này. Tính cách của Dan Evans như một nét đẹp tương phản giữa muôn vàn tính xấu hiện nay mà khi có người nói trúng thì khối người đã giãy nảy lên như gà xối mỡ và còn ngăn không được truyền "dịch nói xấu"! Trong phim Dan cũng đã thành công trong việc làm gương cho con luôn luôn có trách nhiệm trong mọi chuyện. Chính đức tính này mới là nền tảng để phát triển lâu dài chứ chả phải lối "ăn xổi ở thì", được lợi trước mắt mà không quan tâm đến tương lai sau này, khi gặp chuyện thì rũ bỏ mọi trách nhiệm hoặc đổ tại cái này, tại người kia. Người lớn muốn dạy trẻ con có tinh thần trách nhiệm thì trước hết mình phải có trách nhiệm chứ không phải ra rả giáo điều cứng nhắc trong khi hành động lại đi ngược với những lời nói đó. Đó mới chính là bài học hiệu quả cho trẻ con.

Sunday, November 4, 2007

Từ Godfather đến American Gangster – American Dream Dưới Góc Nhìn Từ Phim Gangster




Có spoil đôi chỗ, đọc cẩn thận, hehe.


Như Thomas Jefferson nói trong Tuyên Ngôn Độc Lập nước Mỹ năm 1776 với câu “pursuit for Happiness”, American dream là một giấc mơ đời thường chỉ để “Pursuit for Happiness” ấy của mọi người Mỹ. Nó thể hiện mong ước của con người là được sinh sống lập nghiệp yên ổn và sung túc ở Mỹ. Mong ước ấy luôn hiện diện trong tâm trí của người dân nhập cư đến Mỹ qua các thời kỳ lịch sử từ thời những làn sóng người châu Âu nhập cư trong các thế kỷ XVI-XVII hình thành nên nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thời người Ý nhập cư vào Mỹ đầu thế kỷ XX, làn sóng người Cuba đổ xô vào Mỹ những năm 60, làn sóng người Đông Nam Á sau năm 1975 và cho đến tận bây giờ. Những người nhập cư tìm đến nước Mỹ như một miền đất mới, một miền đất hứa cho cuộc sống sung túc của họ. Ai ai vào Mỹ bất kể đó là anh nông dân đồn điền bông, ông chủ nhà máy dầu mỏ giàu có hay những tay gangster cộm cán bậc nhất.

Như mọi công dân Mỹ khác, những tay gangster này ban đầu cũng chỉ muốn tìm kiếm một cuộc sống yên ả để làm ăn bình thường. Ước mơ của bố già Vito Corleone ban đầu cũng đơn giản như ước mơ của ông nhà đòn Bonesera trong the Godfather. Tuy nhiên, xã hội những năm đói kém thời hậu Thế Chiến I và tiền Suy Thoái và đã không cho phép ông có được cuộc đời đơn giản như ước mơ ban đầu của ông. Chính hoàn cảnh sống đói kém đó, Don Vito đã không cam chịu cuộc đời của một anh Vito Corleone làm công mà tìm cách để có cuộc sống tốt hơn. Chính vì điều đó đã đẩy Don Vito vào vòng xoáy của những ân oán giang hồ. Dù là khi còn là anh làm thuê Vito hay khi đã trở thành vị bố già quyền lực bậc nhất ở NY thì hai chữ “gia đình” luôn ở một ví trí đặc biệt trong tâm trí ông. Đó là giấc mơ Mỹ của ông.Mọi chuyện Don Vito làm đều để bảo vệ gia đình và đảm bảo nó phát triển yên bình và sung túc.

Chính nhờ giấc mơ Mỹ của ông về gia đình như thế nên ông có suy nghĩ “hơn” những bố già cùng thời một bậc. Đó là cách giải giáp các băng nhóm và chuyển giao những công việc bất hợp pháp sang những công việc hợp pháp. Tất nhiên, công việc hợp pháp đảm bảo được sự ổn định phát triển trong tương lai lâu dài. Do đó ông dứt khoát với ma tuý, cái thứ mà ông luôn cho là vô đạo đức. Thật ra nó là rào cản rất lớn trong quá trình hợp pháp hoá của ông, bởi ông biết dính đến ma túy là không thể rút chân ra vì lợi nhuận khủng khiếp và cả những ràng buộc kèm theo của nó. Rất may, Don Vito có một người kế vị đủ tài và suy nghĩ rất hợp với ông là con trai út của ông, Michael Corleone. Thử nghĩ nếu Don Santino còn sống và kế vị ông thì liệu gia đình ông có thể giải giáp và chuyển giao thành công sang kinh doanh casino hay lại mờ mắt trong những cuộc đấu súng vô nghĩa với Ngũ Đại Gia Đình ở NY để rồi kết thúc bằng cái chết nhục nhã trong tù như Al Capone? Hay lại là cảnh huynh đệ xào xáo, nồi da nấu thịt giữa Michael và Santino vì dù sao tay Michael cũng đã dính máu nên không thể sống một cuộc sống bình thuờng yên lành được. Chính giấc mơ Mỹ ấy đã làm nền tảng cho sự hợp pháp hoá thành công để rồi con cháu ông sau này trờ thành những công dân lương thiện, những ông bác sĩ, luật sư, hoặc thậm chí là những chính trị gia một cách hợp pháp nhất và đường hoàng nhất.

Khác với bố già Vito Corleone, cuộc đời của Frank Lucas xảy ra ở một khía cạnh khác, một hoàn cảnh lịch sử khác, một nền tảng văn hóa khác. Chính những điều đó đã ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ và phương cách hoạt động của Frank Lucas. Dù thế nào đi nữa, Frank Lucas vẫn luôn là một hình tượng khó quên (remarkable figure) của nền văn hóa Harlem nói riêng và nền văn hóa người da đen ở Mỹ nói chung. Sống và “hoạt động” trong thập niên 60-70, thời kỳ “vàng son” của thế hệ hippie, của thế hệ “Lost generation”, lại sinh trưởng trong khu người da đen ở NY là Harlem, Frank Lucas cũng có hoàn cảnh xuất phát ban đầu như Don Vito. Tuy nhiên, cuộc sống chụp giựt và trào lưu xã hội lúc bấy giờ phần nào đã gắn liền ma tuý với Frank Lucas chứ ông không được cơ hội “từ chối” nó như Don Vito. Xuất thân là tài xế cho ông trùm, tính cách và hành động của ông trùm ảnh hưởng mạnh mẽ lên con người Frank Lucas. Vì thế, giấc mơ Mỹ của Frank Lucas phần nào là giấc mơ Mỹ (chưa hoàn thiện cho đến lúc chết) của ông Trùm. May mắn thay,nhờ vào cái chết bất ngờ của ông trùm, Frank Lucas đã nhảy vào thay thề vị trí trùm phân phối ma tuý ở NY. Lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán ma tuý nhanh chóng đem lại cho Frank Lucas một cuộc sống sung túc. Frank mời mẹ và các em về sống chung, tậu một căn biệt thự mới, cưới cô vợ Puerto Rico xinh đẹp. Hạnh phúc phần nào đã mỉm cười với Frank. Nhưng sao cái hạnh phúc ấy lại trông mong manh và rời rạc đến thế, ngay cả khi gia đình tề tựu ăn tối và cùng nắm tay nhau hay khi Frank tháp tùng mẹ đi lễ nhà thờ mỗi sang Chủ nhật. Sợi dây tình cảm anh em, vợ chồng tưởng như chặt nhưng lại có thể đứt bất cứ lúc nào. Phải chăng sự hung hăng nông nổi của anh em của Frank khi mới phất? hay sự sợ hãi Frank, sợ hãi cho tương lai của cô vợ xinh đẹp mà ngay ngày đầu tiên làm vợ Frank cô đã nếm trải ? Hình ảnh bà mẹ của Frank khá nổi bật, từng câu chữ của bà luôn có trọng lượng với Frank. Chính bà là chất xúc tác cho sự bền vững của gia đình Frank, từ mối quan hệ với những người em cho đến cả mối quan hệ với cô vợ Puerto Rico.

Dù thế nào thì giấc mơ Mỹ của Frank, niềm tin của Frank đối với cộng đồng dân da đen mà cụ thể ở đây là khu Harlem vẫn bất diệt. Trong giấc mơ ấy, Frank là người tạo cuộc sống hạnh phúc cho ông, cho vợ ông, cho mẹ ông, cho các em ông và cho cả cộng đồng người da đen ở Harlem. Ngay khi cô vợ bị ám sát hụt, Frank trả lời đề nghị bỏ đi của cô vợ bằng “This is my home. This is where my business is, my wife, my mother, my family. This is my country, I ain't goin' nowhere. This is America”. Nó còn thể hiện rõ hơn ngay sau khi Frank Lucas bị bắt với lời tuyên bố hùng hồn: “I got Harlem. I took care of Harlem, so Harlem's gonna take care of me”. Nhưng liệu Frank có biết chính tay ông đã gây nên bao cái chết, biết bao ly tán của các gia đình ở ngay trong khu Harlem, rằng số người xếp hàng làm chứng tố cáo ông còn đông hơn cả số người ủng hộ ông trước tòa như lời Richie nói ? Liệu giấc mơ Mỹ ấy có là lý tưởng khi công việc Frank làm góp phần mang lại cho Harlem thêm nhơ nhớp đằng sau cái vẻ bề ngoài không lấy làm sạch sẽ cho lắm ?

Mỗi một thế hệ sống đều có một hoàn cảnh sống riêng, một sắc thái riêng. Bản chất cuộc đời có lẽ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoàn cảnh xã hội và điều kiện nơi sinh sống. Don Vito Corleone và Frank Lucas đã sống và đã chơi trọn trò chơi của cuộc đời để theo đuổi giấc mơ Mỹ của họ. Được hay mất về vật chất đều không quan trọng bằng chữ “ngộ” trong suy nghĩ mỗi người. Hay như lời của Frank Lucas nói “See, ya are what ya are in this world. That's either one of two things: Either you're somebody, or you ain't nobody”.