Sunday, November 4, 2007

Từ Godfather đến American Gangster – American Dream Dưới Góc Nhìn Từ Phim Gangster




Có spoil đôi chỗ, đọc cẩn thận, hehe.


Như Thomas Jefferson nói trong Tuyên Ngôn Độc Lập nước Mỹ năm 1776 với câu “pursuit for Happiness”, American dream là một giấc mơ đời thường chỉ để “Pursuit for Happiness” ấy của mọi người Mỹ. Nó thể hiện mong ước của con người là được sinh sống lập nghiệp yên ổn và sung túc ở Mỹ. Mong ước ấy luôn hiện diện trong tâm trí của người dân nhập cư đến Mỹ qua các thời kỳ lịch sử từ thời những làn sóng người châu Âu nhập cư trong các thế kỷ XVI-XVII hình thành nên nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thời người Ý nhập cư vào Mỹ đầu thế kỷ XX, làn sóng người Cuba đổ xô vào Mỹ những năm 60, làn sóng người Đông Nam Á sau năm 1975 và cho đến tận bây giờ. Những người nhập cư tìm đến nước Mỹ như một miền đất mới, một miền đất hứa cho cuộc sống sung túc của họ. Ai ai vào Mỹ bất kể đó là anh nông dân đồn điền bông, ông chủ nhà máy dầu mỏ giàu có hay những tay gangster cộm cán bậc nhất.

Như mọi công dân Mỹ khác, những tay gangster này ban đầu cũng chỉ muốn tìm kiếm một cuộc sống yên ả để làm ăn bình thường. Ước mơ của bố già Vito Corleone ban đầu cũng đơn giản như ước mơ của ông nhà đòn Bonesera trong the Godfather. Tuy nhiên, xã hội những năm đói kém thời hậu Thế Chiến I và tiền Suy Thoái và đã không cho phép ông có được cuộc đời đơn giản như ước mơ ban đầu của ông. Chính hoàn cảnh sống đói kém đó, Don Vito đã không cam chịu cuộc đời của một anh Vito Corleone làm công mà tìm cách để có cuộc sống tốt hơn. Chính vì điều đó đã đẩy Don Vito vào vòng xoáy của những ân oán giang hồ. Dù là khi còn là anh làm thuê Vito hay khi đã trở thành vị bố già quyền lực bậc nhất ở NY thì hai chữ “gia đình” luôn ở một ví trí đặc biệt trong tâm trí ông. Đó là giấc mơ Mỹ của ông.Mọi chuyện Don Vito làm đều để bảo vệ gia đình và đảm bảo nó phát triển yên bình và sung túc.

Chính nhờ giấc mơ Mỹ của ông về gia đình như thế nên ông có suy nghĩ “hơn” những bố già cùng thời một bậc. Đó là cách giải giáp các băng nhóm và chuyển giao những công việc bất hợp pháp sang những công việc hợp pháp. Tất nhiên, công việc hợp pháp đảm bảo được sự ổn định phát triển trong tương lai lâu dài. Do đó ông dứt khoát với ma tuý, cái thứ mà ông luôn cho là vô đạo đức. Thật ra nó là rào cản rất lớn trong quá trình hợp pháp hoá của ông, bởi ông biết dính đến ma túy là không thể rút chân ra vì lợi nhuận khủng khiếp và cả những ràng buộc kèm theo của nó. Rất may, Don Vito có một người kế vị đủ tài và suy nghĩ rất hợp với ông là con trai út của ông, Michael Corleone. Thử nghĩ nếu Don Santino còn sống và kế vị ông thì liệu gia đình ông có thể giải giáp và chuyển giao thành công sang kinh doanh casino hay lại mờ mắt trong những cuộc đấu súng vô nghĩa với Ngũ Đại Gia Đình ở NY để rồi kết thúc bằng cái chết nhục nhã trong tù như Al Capone? Hay lại là cảnh huynh đệ xào xáo, nồi da nấu thịt giữa Michael và Santino vì dù sao tay Michael cũng đã dính máu nên không thể sống một cuộc sống bình thuờng yên lành được. Chính giấc mơ Mỹ ấy đã làm nền tảng cho sự hợp pháp hoá thành công để rồi con cháu ông sau này trờ thành những công dân lương thiện, những ông bác sĩ, luật sư, hoặc thậm chí là những chính trị gia một cách hợp pháp nhất và đường hoàng nhất.

Khác với bố già Vito Corleone, cuộc đời của Frank Lucas xảy ra ở một khía cạnh khác, một hoàn cảnh lịch sử khác, một nền tảng văn hóa khác. Chính những điều đó đã ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ và phương cách hoạt động của Frank Lucas. Dù thế nào đi nữa, Frank Lucas vẫn luôn là một hình tượng khó quên (remarkable figure) của nền văn hóa Harlem nói riêng và nền văn hóa người da đen ở Mỹ nói chung. Sống và “hoạt động” trong thập niên 60-70, thời kỳ “vàng son” của thế hệ hippie, của thế hệ “Lost generation”, lại sinh trưởng trong khu người da đen ở NY là Harlem, Frank Lucas cũng có hoàn cảnh xuất phát ban đầu như Don Vito. Tuy nhiên, cuộc sống chụp giựt và trào lưu xã hội lúc bấy giờ phần nào đã gắn liền ma tuý với Frank Lucas chứ ông không được cơ hội “từ chối” nó như Don Vito. Xuất thân là tài xế cho ông trùm, tính cách và hành động của ông trùm ảnh hưởng mạnh mẽ lên con người Frank Lucas. Vì thế, giấc mơ Mỹ của Frank Lucas phần nào là giấc mơ Mỹ (chưa hoàn thiện cho đến lúc chết) của ông Trùm. May mắn thay,nhờ vào cái chết bất ngờ của ông trùm, Frank Lucas đã nhảy vào thay thề vị trí trùm phân phối ma tuý ở NY. Lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán ma tuý nhanh chóng đem lại cho Frank Lucas một cuộc sống sung túc. Frank mời mẹ và các em về sống chung, tậu một căn biệt thự mới, cưới cô vợ Puerto Rico xinh đẹp. Hạnh phúc phần nào đã mỉm cười với Frank. Nhưng sao cái hạnh phúc ấy lại trông mong manh và rời rạc đến thế, ngay cả khi gia đình tề tựu ăn tối và cùng nắm tay nhau hay khi Frank tháp tùng mẹ đi lễ nhà thờ mỗi sang Chủ nhật. Sợi dây tình cảm anh em, vợ chồng tưởng như chặt nhưng lại có thể đứt bất cứ lúc nào. Phải chăng sự hung hăng nông nổi của anh em của Frank khi mới phất? hay sự sợ hãi Frank, sợ hãi cho tương lai của cô vợ xinh đẹp mà ngay ngày đầu tiên làm vợ Frank cô đã nếm trải ? Hình ảnh bà mẹ của Frank khá nổi bật, từng câu chữ của bà luôn có trọng lượng với Frank. Chính bà là chất xúc tác cho sự bền vững của gia đình Frank, từ mối quan hệ với những người em cho đến cả mối quan hệ với cô vợ Puerto Rico.

Dù thế nào thì giấc mơ Mỹ của Frank, niềm tin của Frank đối với cộng đồng dân da đen mà cụ thể ở đây là khu Harlem vẫn bất diệt. Trong giấc mơ ấy, Frank là người tạo cuộc sống hạnh phúc cho ông, cho vợ ông, cho mẹ ông, cho các em ông và cho cả cộng đồng người da đen ở Harlem. Ngay khi cô vợ bị ám sát hụt, Frank trả lời đề nghị bỏ đi của cô vợ bằng “This is my home. This is where my business is, my wife, my mother, my family. This is my country, I ain't goin' nowhere. This is America”. Nó còn thể hiện rõ hơn ngay sau khi Frank Lucas bị bắt với lời tuyên bố hùng hồn: “I got Harlem. I took care of Harlem, so Harlem's gonna take care of me”. Nhưng liệu Frank có biết chính tay ông đã gây nên bao cái chết, biết bao ly tán của các gia đình ở ngay trong khu Harlem, rằng số người xếp hàng làm chứng tố cáo ông còn đông hơn cả số người ủng hộ ông trước tòa như lời Richie nói ? Liệu giấc mơ Mỹ ấy có là lý tưởng khi công việc Frank làm góp phần mang lại cho Harlem thêm nhơ nhớp đằng sau cái vẻ bề ngoài không lấy làm sạch sẽ cho lắm ?

Mỗi một thế hệ sống đều có một hoàn cảnh sống riêng, một sắc thái riêng. Bản chất cuộc đời có lẽ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoàn cảnh xã hội và điều kiện nơi sinh sống. Don Vito Corleone và Frank Lucas đã sống và đã chơi trọn trò chơi của cuộc đời để theo đuổi giấc mơ Mỹ của họ. Được hay mất về vật chất đều không quan trọng bằng chữ “ngộ” trong suy nghĩ mỗi người. Hay như lời của Frank Lucas nói “See, ya are what ya are in this world. That's either one of two things: Either you're somebody, or you ain't nobody”.

No comments: